Điều chỉnh quy hoạch sân bay Phú Quốc đạt công suất 10 triệu khách

Điều chỉnh quy hoạch sân bay Phú Quốc đạt công suất 10 triệu khách

Theo quy hoạch hiện nay, đến năm 2030, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là cảng hàng không cấp 4E (theo ICAO), có thể tiếp nhận 7 triệu lượt hành khách/năm.

Cảng hàng không Phú Quốc
Cảng hàng không Phú Quốc

Theo đó, vị trí, chức năng của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc vẫn là cảng hàng không quốc tế, đạt cấp  4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ có công suất là 10 triệu hành khách/năm, tăng 3 triệu hành khách so với quy hoạch hiện hữu và 25.000 tấn hàng hóa/năm.

Trong giai đoạn này, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có tổng số vị trí đỗ tàu bay là 30 vị trí; loại tàu bay khai thác: B747, B787, A350 và tương đương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có công suất là 18 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay là 50 vị trí; loại tàu bay khai thác là B747, B787, A350 và tương đương.

Để đạt mục tiêu nói trên, cùng với việc mở rộng hệ thống đường cất hạ cánh, sân đỗ và các công trình hạ tầng đồng bộ đáp ứng quy hoạch điều chỉnh, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ tiến hành xây dựng nhà ga hành khách 2 cao trình phía Đông nhà ga hành khách hiện hữu. Tổng công suất đạt 10 triệu hành khách/năm, tùy thời điểm đầu tư nhà ga hành khách, có thể nghiên cứu tiến hành xây dựng ngay nhà ga hành khách với công suất thiết kế đạt 10 triệu hành khách/năm để đáp ứng một phần cho giai đoạn sau năm 2030, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam còn đề xuất xây dựng nhà ga hàng không chung về phía Tây cảng hàng không khi có nhu cầu.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng nhà ga hành khách T2, nâng tổng công suất nhà ga đạt 18-20 triệu hành khách/năm. Có dự trữ đất phía Đông của nhà ga để có thể mở rộng khi có nhu cầu (tổng quỹ đất dự trữ để mở rộng nhà ga khu vực T2 đảm bảo cho công suất 30 triệu hành khách/năm, đảm bảo phát triển dài hạn).

Được biết, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là cửa ngõ thông thương của kinh tế quốc tế của đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và khu vực biên giới biển đảo phía Nam. Do đó Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vùng biển đảo phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xây dựng Phú Quốc với mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao, đồng thời là trung tâm giao thương với các vùng trong nước, khu vực và quốc tế.

Từ năm 2008, Quy hoạch phát triển Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được lập và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008.

Theo đó, mục tiêu dự báo đến năm 2020, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là sân bay cấp 4E (theo ICAO), có thể tiếp nhận 2,65 triệu hành khách/năm; lượng hàng hóa 14.000 tấn/năm; định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có thể tiếp nhận 7 triệu hành khách/năm; lượng hàng hóa 27.600 tấn/năm.

Từ năm 2009-2012, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã được triển khai xây dựng các hạng mục công trình theo đúng quy hoạch được duyệt.

Đến tháng 12/2012, Cảng hàng không bắt đầu được đưa vào khai thác các chuyến bay thương mại đầu tiên. Kể từ khi bắt đầu đưa vào khai thác, lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa thông qua Cảng hàng không liên tục tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Tính đến hết năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã tiếp nhận khoảng 3,7 triệu hành khách/năm, vượt quá công suất dự báo.

Năm 2020, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, nhưng sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc vẫn đạt khoảng 3,2 triệu hành khách.

Trả lời

.
.
.
.

0707.9999.68